Luật đơn vị hành chính đặc biệt hay còn gọi là luật đặc khu được xây dựng cho sự ra đời chính thức của 3 đơn vị hành chính đặc biệt, đó là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Các đặc khu được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế. Đồng thời đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.
Đặc khu kinh tế (Ảnh minh họa)
Thế giới hiện có khoảng 4500 đặc khu tại hơn 140 nền kinh tế. Sự hình thành và phát triển liên tục của mô hình này vẫn đang trở thành một trào lưu chưa bao giờ hết sốt ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên ở Việt Nam thì lại chưa có tiền lệ.
Tốc độ phát triển nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại sau nhiều năm tăng trưởng khá. Hàng trăm khu kinh tế, khu công nghiệp chế xuất từng hút gần một nửa vốn nước ngoài, nay đang giảm dần sức hấp dẫn. Trong khi áp lực cạnh tranh với các nền kinh tế khác đang ngày càng gay gắt. Tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn, không thể đầu tư dàn trải thay vào đó là sự tập trung cho một số đầu tàu kéo tăng trưởng cả nước đi lên. Một động lực đột phá mới, như đặc khu là điều mà Việt Nam đang cần lúc này. Đây được kỳ vọng sẽ tạo sân chơi mới với các ưu đãi vượt trội, thu hút làn sóng đầu tư khắp nơi trên thế giới.
3 đặc khu kinh tế
Ông Nguyễn Văn Trung – Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm: “Xây dựng khu kinh tế hành chính đặc biệt trên nghĩa để tạo cực tăng trưởng, đồng thời để thử nghiệm đổi mới hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị”.
Trong các kịch bản tìm động lực cho tăng trưởng kinh tế những năm tới, mô hình đặc khu kinh tế được nhiều chuyên gia nhắc tới như 1 nấc thang mới của tư duy phát triển. Các cực tăng trưởng được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, hạ tầng công nghệ, hay là công nghiệp dịch vụ để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế khi đi vào thực tế, mục tiêu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước là thước đo rõ nhất cho sự thành công của đặc khu. Muốn thu hút trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, việc đầu tiên là phải hiểu rõ các nhà đầu tư đang cần gì.
Để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các đặc khu, có 2 loại công cụ được xem là quan trọng nhất. Thứ nhất là nhóm các chính sách ưu đãi như là thuế, phí, đất đai. Thứ hai là nhóm các thể chế thông thoáng, vượt trội. Trong quá trình thảo luận luật các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, băn khoăn lớn nhất là thiết kế nhóm chính sách ưu đãi và thiết kế thể chế thế nào là đủ để cạnh tranh được với các đặc khu khác trong khu vực và thế giới. Và trong 2 công cụ: ưu đã và thể chế, cái nào cần được chú trọng hơn.
Hàng loạt những ưu đãi vượt trội đã được thiết kế để thu hút các nhà đầu tư vào đặc khu. Theo ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên phó chủ nhiệm ủy ban kinh tế của Quốc Hội: nhóm chính sách ưu đãi này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, tối đa hóa lợi nhuận.
Đặc khu kinh tế Vân Đồn
Tuy nhiên có 1 thứ còn đặc biệt quan trọng hơn cả ưu đãi, đó chính là cách ứng xử, giải quyết các thủ tục của bộ máy chính quyền đặc khu. Đồng tình với quan điểm này PGS.TS Bùi Tất Thắng – Việc trưởng viện chiến lược phát triển bộ kế hoạch và đầu tư phân tích: khi các nhà đầu tư quốc tế lớn bỏ hàng tỷ USD vào các đặc khu, thì những chính sách ưu đãi về tài chính không phải là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển đặc khu từ Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương cho biết: Chính Phủ Singapore không dùng ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư. Thay vào đó, Chính Phủ sử dụng chính nguồn thuế doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ trở lại việc xây dựng hạ tầng cũng như hàng loạt các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp trong cuộc chơi đầu tư tại đặc khu.
Cũng theo các chuyên gia, khi thể chế và cách ứng xử của bộ máy chính quyền đặc khu mới là điều quan trọng hơn. Để thu hút các nhà đầu tư, thì những ưu đãi về tài chính và đất đai cũng cần được tính toán kỹ. Làm thế nào để ưu đãi vừa đủ, đảm bảo tính cạnh tranh với các đặc khu khác trên thế giới, bởi nếu ưu đãi quá mức sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lợi ích mang lại cho đặc khu và cả nền kinh tế không đủ bù cho nguồn lực đã bỏ ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thể chế vượt trội sẽ tạo niềm tin, còn ưu đãi đột phá sẽ làm nên sức hấp dẫn cho các đặc khu kinh tế. Mặc dù thể chế được đánh giá là quan trọng hơn, thế nhưng chính sách ưu đãi cũng là yêu tố được xem xét và đưa ra một cách kỹ lưỡng. Có như vậy thì đặc khu mới thực sự trở thành những chiếc tổ cho chim phượng hoàng.